Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

🌻10 điều vệ sinh an toàn thực phẩm


💰10 điều vệ sinh an toàn thực phẩm được tổ chức WHO đưa ra như lời khuyên hỗ trợ làm giảm nguy cơ sống sót, sinh sôi của các mầm bệnh, vi khuẩn gây ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn những sai phạm phổ biến trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm.
Dữ liệu của WHO thể hiện rằng chỉ một phần nhỏ các yếu tố liên quan đến xử lý thực phẩm là nguyên nhân góp phần gây ra phần lớn các bệnh do thực phẩm (foodborne disease) ở khắp mọi nơi. Các sai lầm phổ biến trong quá trình xử lý, chế biến và bảo quản thực phẩm thường là:
    • Nấu sẵn trước các món ăn nhưng chưa dùng kết hợp với việc vô tình bảo quản thức ăn ở nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và/hoặc hình thành độc tố;
    • nấu hoặc hâm lại thức ăn chưa đủ thời gian để giảm hoặc loại bỏ mầm bệnh;
    • lây nhiễm chéo; và
    • chưa vệ sinh sạch sẽ khi xử lý thực phẩm.

Điều 1. Lựa chọn thực phẩm an toàn

Trong các loại thực phẩm như trái cây và rau củ, dùng khi còn tươi (không cần chế biến) là tốt nhất, còn những loại khác đều cần trải qua bước chế biến qua trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ. Nên mua sữa tiệt trùng thay vì sữa tươi chưa qua xử lý và nếu có thể, hãy chọn gia cầm tươi hoặc đông lạnh đã được xử lý bằng bức xạ ion hóa. Khi mua, hãy luôn nhớ rằng các quy trình chế biến xử lý thực phẩm được tạo ra để cải thiện độ an toàn cũng như kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Cần rửa kỹ một số loại thực phẩm có thể ăn sống, chẳng hạn như rau diếp.

Điều 2. Nấu kỹ thức ăn

Nhiều loại thực phẩm tươi sống, đáng chú ý nhất là thịt gia cầm, thịt, trứng và sữa chưa tiệt trùng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Nấu chín kỹ thức ăn sẽ giúp tiêu diệt các mầm bệnh, nhưng hãy lưu ý rằng nhiệt độ của tất cả các phần phải đạt ít nhất 70°C. Ví dụ như thịt gà dù đã nấu chín nhưng phần gần xương vẫn còn sống, khi đó hãy cho gà trở lại lò nướng cho đến khi chín hoàn toàn. Ngoài ra, thịt, cá và gia cầm đông lạnh phải được rã đông hoàn toàn trước khi nấu.

Điều 3. Dùng thức ăn ngay khi đã nấu chín

Khi thức ăn đã nấu chín bị nguội (xấp xỉ nhiệt độ phòng), vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sôi nảy nở. Để thức ăn càng lâu, rủi ro càng lớn. Vì thế, để đảm bảo an toàn, hãy ăn ngay khi đã nấu chín.

Điều 4. Bảo quản thức ăn chín cẩn thận

Nếu bạn phải nấu trước thức ăn hoặc muốn để dành lại thức ăn thừa, hãy đảm bảo bảo quản chúng ở điều kiện nóng (>= 60 °C) hoặc mát (<= 10 °C). Điều này rất quan trọng nếu bạn dự định lưu trữ thực phẩm trong thời gian dài (hơn 4 – 5 giờ). Đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh tốt nhất là không nên để dành lại. Một sai lầm khá phổ biến, gây nên vô số trường hợp mắc các bệnh do thực phẩm, là để quá nhiều thức ăn nóng trong tủ lạnh. Khi tủ lạnh đang quá tải, nó sẽ không thể làm nguội mát các phần thức ăn đó như thường ngày. Khi phần chính giữa của những món ăn đó được giữ ấm (trên 10°C) quá lâu, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển mạnh và nhanh chóng sinh sôi nảy nở đến mức gây bệnh.

Điều 5. Hâm nóng kỹ thức ăn đã nấu chín

Đây là biện pháp bảo vệ tốt nhất của bạn chống lại các vi khuẩn có thể đã phát triển trong quá trình bảo quản (bảo quản đúng cách làm chậm sự phát triển của vi sinh vật nhưng không giết chết các sinh vật này). Một lần nữa, hâm nóng kỹ lưỡng có nghĩa là tất cả các phần của món đó phải đạt ít nhất 70°C.

Điều 6. Tránh để thực phẩm sống tiếp xúc với thực phẩm chín

Thực ăn chín có thể ngay lập tức xảy ra tình trạng ô nhiễm chéo dù chỉ cần tiếp xúc nhỏ với thực phẩm tươi sống. Sự lây nhiễm chéo này có thể xảy ra trực tiếp, như khi để thịt gia cầm sống tiếp xúc với thức ăn chín, hoặc gián tiếp, ví dụ như sử dụng cùng bộ dao thớt để cắt thịt sống và thịt chín. Như vậy các loại vi sinh vật gây bệnh có thể bám lại vào các thực phẩm đã được nấu chín.

Điều 7. Rửa tay nhiều lần

Rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu xử lý và chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn - đặc biệt nếu giữa chừng bạn phải thay tã cho em bé hoặc đi vệ sinh. Ngoài ra, cần rửa tay lại trước khi bắt đầu xử lý những loại thực phẩm khác, đặc biệt là sau khi chế biến các thực phẩm tươi sống như thịt, cá hoặc gia cầm. Và nếu bạn có vết thường ở tay, hãy nhớ băng lại trước khi chế biến thức ăn. Hãy lưu ý rằng những thú cưng trong nhà - chó, mèo, chim và đặc biệt là rùa - thường chứa mầm bệnh nguy hiểm có thể truyền từ tay bạn vào thức ăn.

Quy trình rửa tay

Điều 8. Giữ cho bề mặt bếp luôn sạch sẽ

Do thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn nên bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thực phẩm đều phải được giữ sạch sẽ tuyệt đối. Khăn lau bát đĩa và dụng cụ nhà bếp nên được thay thường xuyên và luộc qua nước sôi mỗi khi sử dụng lại. Khăn lau sàn cũng cần được giặt sạch thường xuyên.

Điều 9. Bảo vệ thức ăn khỏi côn trùng, động vật gặm nhấm và các động vật khác

Các loài côn trùng và động vật thường xuyên mang trong mình vi sinh vật gây bệnh. Vì vậy, giữ thức ăn trong hộp kín là cách bảo vệ tốt nhất để ngăn cho thức ăn nhiễm mầm bệnh từ nguồn này.

Hộp bảo quản thực phẩm

Điều 10. Sử dụng nguồn nước an toàn

Lựa chọn nguồn nước cũng quan trọng đối với việc xử lý, chế biến thức ăn và nước uống. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ nguồn nước mình đang sử dụng, hãy đun nước thật sôi trước khi sử dụng để chế biến thức ăn hoặc làm đá để uống. Đặc biệt, hãy cẩn thận với bất kỳ nguồn nước nào dùng để nấu thức ăn cho trẻ sơ sinh.

An toàn vệ sinh thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của mỗi con người. Các doanh nghiệp thực phẩm càng phải chú ý kỹ hơn vì chỉ có sản xuất ra thực phẩm sạch, chất lượng cao thì mới có thể bảo vệ người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín hình ảnh thương hiệu. ISO 22000 & HACCP là tiêu chuẩn không thể thiếu khi có thể giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng thực phẩm an toàn thông qua hệ thống giám sát quản lý các quy trình xử lý, chế biến thực phẩm một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét